Cố Nghệ nhân Vũ Đức Thắng Lan tỏa “hồn” gốm Việt
Theo lời kể của bà Phùng Thị Thịnh – vợ cố nghệ nhân gốm Bát Tràng Vũ Đức Thắng thì sinh thời, cố nghệ nhân thường theo đuổi những điều giản dị và gần gũi với con người Việt Nam. Đó cũng là “mạch nguồn” xuyên suốt cảm hứng sáng tạo của ông Thắng để tạo ra các sản phẩm gốm mang đậm “Hồn đất Việt”.
Sơ lược về nghệ nhân Vũ Đức Thắng
Cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) không những nổi tiếng trong làng gốm sứ Bát Tràng mà trong làng nghệ thuật ở Hà Nội. Hơn 40 năm gắn bó với nghề gốm truyền thống, ông luôn tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm mới, vận dụng những kỹ thuật làm nghề cổ truyền pha trộn với phong cách hội hoạ và tạo hình đương đại để mang đến các sản phẩm gốm có “chất riêng” với giá trị nghệ thuật cao.
Một góc phòng triển lãm gốm của nghệ nhân Vũ Đức Thắng
Tay nghề thủ công tinh xảo của cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng khi kết hợp với phong cách thời trang của nước Italia đã tạo nên những giá trị riêng biệt cho từng tác phẩm.
Không gian trưng bày được dựng nên trong hình ảnh lò gốm Bát Tràng và tháp nghiêng Pisa. Đây là một sự kết hợp mang lại trải nghiệm thú vị dành cho người yêu nghệ thuật và văn hoá.
Mười hai chiếc giày gốm Bát Tràng trưng bày tại triển lãm lần này chính là tác phẩm của cố nghệ nhân nhân dân Vũ Đức Thắng. Trong số đó có đôi giày được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam trao bằng chứng nhận Đôi giày gốm lớn nhất nước Việt Nam năm 2013.
Với đường nét khoáng đạt đầy tinh tế của gốm
Những hoạ tiết gốm không chỉ là sự lung linh, huyền ảo trên chất liệu đất mà còn mang sự tài hoa của cố nghệ nhân khi phun men làm sao để khi lên gốm, các tác phẩm thể hiện nghệ thuật trên chất liệu men nâu, đen hay men trầm. Những men đó phải thể hiện được đặc trưng trên gốm mang tên “Hồn đất Việt” của cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Vì vậy, mỗi tác phẩm của cố nghệ nhân khách hàng trong và ngoài nước từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, Hoa Kỳ. .. đều yêu thích.
Đến với cảm xúc của “Hồn đất Việt”
Đầu năm 2016, ông đã được UBND TP. Hà Nội trao phép xây dựng Bảo tàng Gốm tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, mang tên “Hồn gốm Việt”. Đây được xem là bảo tàng gốm tư nhân có quy mô lớn nhất đang được xây trong khuôn viên của gia đình cố nghệ nhân ở Bát Tràng. Chia sẻ về mong muốn xây dựng bảo tàng Hồn gốm Việt của cố nghệ nhân, bà Phùng Thị Thịnh cho rằng, với ông, mỗi sản phẩm gốm sứ là cả sự say mê và lòng tâm huyết với nghề đã làm nên thương hiệu của gốm Vũ Đức Thắng ngày nay. Ông mong muốn mở bảo tàng gốm không vì mục đích kinh doanh, mà đơn thuần là nhằm thoả mãn nguyện vọng gìn giữ và truyền bá các giá trị tốt đẹp của gốm Việt đến với mọi người. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của người thợ thủ công – người nghệ nhân tìm lại nguồn cội.
Mỗi tác phẩm gốm được cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng chế tác được làm ra bởi con mắt tinh tường của người nghệ nhân ưa sáng tạo và mới mẻ trong suy nghĩ để dung hoà giữa truyền thống và đương đại. Đó là sự kết tinh của cái tài hoa và sự sáng tạo kết hợp học thuật tinh hoa của bề dày lịch sử gốm sứ Bát Tràng mà ông đã được tiếp thu.
Màu men độc đáo của gốm “Hồn đất Việt”
Tài năng của cố nghệ nhân phải nói là kỹ thuật khắc lõm và đắp nổi trên gốm và kỹ thuật phủ men đặc biệt (kỹ thuật chồng màu). Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu và cảm xúc mới thực hiện được ý đồ đã định sẵn; mặt khác, đây cũng là kỹ thuật để thể hiện được phẩm chất tốt đẹp nhất của người làm gốm. Những kinh nghiệm và cảm xúc về phong thuỷ đều hội tụ ở cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Ông luôn có những ý tưởng điêu khắc mới để miêu tả cảnh quan đất nước và sự tích lịch sử dân tộc theo kỹ thuật khắc chìm. Như một cái duyên, với cố nghệ nhân, các hoa văn điêu khắc ấy đã làm mềm hoá và làm cho cốt đất trở nên có “hồn”.
Xem thêm:
- Tiểu sử Nghệ Nhân Trần Độ – Bậc Thầy Gốm Việt
- Nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn Vũ trụ thu vào một chén con
- Cố Nghệ nhân Vũ Đức Thắng Lan tỏa “hồn” gốm Việt
- Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn – người mang hồn Việt ra thế giới
- Nghệ nhân Phạm Thế Anh và khu vườn thưởng trà độc đáo
- Nghệ nhân Trần Nam Tước – Tạo giá trị văn hóa gốm sứ
- Nghệ nhân Phạm Đạt – “Trứng rồng lại nở ra rồng”